Rụng tóc từng mảng là một hoặc nhiều mảng tóc bị rụng và không mọc tóc mới khiến da đầu hình thành một hoặc vài vùng hói tóc (không có tóc) trên đầu. Rụng tóc từng mảng có thể tự khỏi hoặc không. Trong trường hợp không tự khỏi, nó có thể lan rộng và khiến tình trạng tồi tệ đi nếu không được chữa kịp thời.
Rụng tóc từng mảng là gì?
Mỗi vùng rụng tóc từng mảng thường có kích thước bằng khoảng đồng xu nên bệnh rụng tóc này còn được gọi với tên gọi khác như rụng tóc hình đồng xu, rụng tóc từng vùng. Nhiều chuyên da ngành da liễu cho rằng, bệnh rụng tóc từng mảng là một dạng nhẹ của bệnh hói đầu do một loại bệnh tự miễn gây ra.
Các loại rụng tóc từng mảng
Rụng tóc từng mảng thường chia thành 4 loại chính là:
Rụng tóc từng mảng loang lổ (rụng tóc đồng xu). Nó làm xuất hiện một hoặc nhiều mảng rụng tóc có kích thước nhỏ tròn bằng đồng xu trên da đầu. Tình trạng này biến chuyển nặng có thể dẫn đến chứng rụng tóc toàn thân.
Rụng tóc từng mảng lan tỏa. Tóc bị rụng một cách đột ngột và bất ngờ ở toàn bộ vùng da đầu khiến cho mái tóc trở nên mỏng và thưa rõ rệt. Điểm khác biệt chính của rụng tóc từng mảng lan tỏa và rụng tóc thông thường là số lượng tóc rụng mỗi ngày trở lên nhiều bất thường.
Rụng tóc toàn thân (hói đầu toàn phần). Tình trạng này xảy ra khi toàn bộ tóc của bạn bị rụng khỏi da đầu.
Rụng tóc từng mảng phổ quát. Người bị chứng rụng tóc này ngoài hiện tượng tóc rụng thành từng mảng loang lổ còn thấy bị rụng cả lông mày, lông mi, thậm chí là các loại lông khác như lông ngực, lông lưng, lông mu… trên cơ thể.
Rụng tóc từng mảng ở nam giới
Rụng tóc từng mảng có thể xảy ra ở mọi giới tính và mọi độ tuổi. Các báo cáo từ Hiệp hội tóc Châu Á (AHA) cho thấy rụng tóc từng mảng xảy ra nhiều nhất ở nam giới, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình bị rụng tóc từng mảng hoặc hói đầu.
Rụng tóc từng mảng có thể tác động khiến nam giới bị rụng tóc ở da đầu, rụng lông ở khuôn mặt, lưng, ngực. Tuy nhiên, điểm khác biệt rõ nhất giữa rụng tóc từng mảng với hói đầu ở nam giới là:
- Rụng tóc từng mảng gây ra các mảng loang lổ rụng tóc hoặc lông;
- Hói đầu ở nam giới thường xuất hiện cục bộ với sự thưa hói tóc từ một vùng da đầu và có xu hướng lan rộng ra sau đó.
Rụng tóc từng mảng ở phụ nữ
Rụng tóc từng mảng ở phụ nữ có thể là sự rụng tóc giới hạn trong một vùng nhỏ, hoặc cũng có thể là sự rụng tóc từng vùng lan tỏa theo một mảng rộng lớn làm tổng số lượng tóc rụng nhiều hơn bình thường. Và nó có thể khiến phụ nữ mất tự tin vì tóc thưa làm da đầu bị lộ.
Trong một số trường hợp rụng tóc từng mảng ở nữ giới có thể kèm theo chứng rụng lông mày, lông mi.
Rụng tóc theo mảng ở trẻ em
Rụng tóc theo mảng ở trẻ em có thể do yếu tố di truyền hoặc không. Trên thực tế, đa số những người bị rụng tóc từng mảng sẽ xuất hiện lần đầu tiên trước 30 tuổi.
Bên cạnh bị rụng tóc, trẻ em rụng tóc từng mảng có thể kèm theo một số triệu chứng khác như: bị rỗ móng tay hoặc tổn thương móng tay.
Nguyên nhân gây rụng tóc từng mảng
Ở một người bình thường, các nang tóc ở trạng thái bình thường không bị tác động bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, đối với những người bị rụng tóc từng mảng thì các nang tóc bình thường bị tế bào bạch cầu “nhầm tưởng” là các kháng nguyên có hại (còn gọi là sự vi phạm đặc quyền miễn dịch của các nang tóc). Điều này tác động khiến hệ miễn dịch tự tấn công vào chính các nang tóc đang khỏe mạnh, không cho nang tóc sản sinh sợi tóc mới, từ đó làm hình thành chứng rụng tóc từng mảng.
Bệnh rụng tóc từng mảng không có khả năng lây nhiễm. Nhiều bằng chứng cho thấy bệnh này có yếu tố di truyền. Nếu thế hệ trước từng mắc bệnh rụng tóc từng vùng thì thế hệ các con cháu sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
Triệu chứng khi bị rụng tóc từng mảng
Triệu chứng điển hình nhất của rụng tóc từng mảng là tóc bị rụng nhiều và thường rụng thành các mảng nhỏ trên da đầu. Mỗi mảng rụng thường có kích thước bằng khoảng đồng xu từ khoảng 0,4cm – 5cm hoặc có thể rộng hơn. Rụng tóc từng mảng cũng có thể xảy ra ở các bộ phận khác trên cơ thể như: rụng lông mày, rụng lông mi, rụng râu… hoặc các vùng lông trên cơ thể.
Các biểu hiện lâm sàng trên da đầu có thể gặp khi bị rụng tóc từng mảng như:
– Có những mảng hói nhỏ trên đầu (vùng da đầu không có tóc).
– Bề mặt lớp da đầu bị hói thường nhẵn, không có sẹo
– Người bệnh có thể thấy hơi ngứa hoặc đau ở vùng hói đầu.
– Các mảng hói thường có kích thước nhỏ với hình tròn hoặc hình bầu dục.
– Tóc con mọc lại có màu bạc và yếu hơn.
– Các vùng tóc rụng có thể xảy ra đồng thời và mọc lại tóc cùng lúc.
– Người bệnh có thể phải đối mặt với nguy cơ bị rụng tóc toàn thân, hói đầu.
– Có nguy cơ xảy ra hói đầu hoặc rụng tóc toàn thân với người bị rụng tóc từng mảng mức độ nặng.
– Xuất hiện các bất thường tại móng: móng tay có đốm trắng, có vệt lõm, dễ bị gãy, không có độ bóng tự nhiên…
– Móng tay người bệnh có thể bị rỗ hoặc nổi mề đay; hoặc móng có thể có đốm trắng, có đường kẻ…
Khi nào rụng tóc từng mảng được coi là bệnh lý?
Khi nào rụng tóc từng mảng được coi là một bệnh lý rụng tóc? Đó là khi bạn thấy xuất hiện một hoặc nhiều biểu hiện bất thường kéo dài không tự khỏi như:
- Bị rụng tóc với số lượng nhiều trên 100 sợi/ngày.
- Tóc rụng nhiều khi gội đầu; khi tóc ướt thậm chí tóc bị rụng khi vuốt nhẹ hoặc chải tóc nhẹ nhàng…
- Tóc bị rụng theo từng chòm cả khi tóc khô và tóc ướt.
- Tóc rụng đi nhưng sau 4 – 5 tháng vẫn không thấy mọc tóc con mới.
- Có tóc con mọc lại nhưng sợi tóc mọc lại yếu, mảnh và dễ gãy rụng tiếp tục.
- Mái tóc trở nên thưa thớt, mỏng, có thể nhìn thấy da đầu (ở nữ giới) hoặc tóc rụng theo các mảng (ở nam giới).
Tóc rụng từng mảng có thể mọc lại không?
Tùy thuộc vào từng bệnh nhân mà tóc rụng từng mảng có thể mọc lại hoặc không thể mọc lại được tóc mới khi tóc cũ rụng đi. Mức độ rụng tóc và mọc lại (hoặc không mọc tóc lại) ở mỗi người bị tóc rụng từng mảng là khác nhau. Điều này thường xảy ra đột ngột, không thể dự đoán trước (mang tính tự phát). Và cho tới hiện nay, nền Y học hiện đại vẫn chưa tìm được lý do vì sao lại xảy ra hiện tượng này.
Khi rụng tóc từng mảng, sợi tóc cũ bị rụng đi nhưng phần nang tóc ẩn sâu dưới da đầu vẫn sống nên thường người bị rụng tóc từng mảng vẫn có thể mọc lại tóc. Trên thực tế, có nhiều trường hợp người bệnh cho biết rằng tình trạng rụng tóc từng mảng của họ có thể tự biến mất sau vài tháng hoặc vài năm.
Tuy nhiên, cũng có không ít các trường hợp rụng tóc từng mảng khác ghi nhận kết quả không khả quan khi vùng da đầu bị rụng tóc từng mảng bị rụng tóc vĩnh viễn hoặc rất lâu mới có sợi tóc con mọc lại, sợi tóc mọc lại yếu và dễ gãy rụng tiếp tục sau đó.
Rụng tóc từng mảng có nguy hiểm không?
Rụng tóc từng mảng có nguy hiểm không? Rụng tóc từng mảng không gây nguy hiểm đến sức khỏe thể chất của người bệnh. Tuy nhiên tóc rụng từng mảng lại gây ảnh hưởng lớn đến sự tự tin, vẻ đẹp ngoại hình cũng như sức khỏe tinh thần của người bệnh bởi chúng tác động làm tóc rụng theo các mảng nhỏ trên da đầu (hoặc lông trên cơ thể) gây mất tính thẩm mỹ.
Rụng tóc theo mảng ở trẻ em thường không gây ảnh hưởng về mặt tinh thần dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ em trên 5 tuổi bị rụng tóc từng mảng có thể gây ra các tổn thương tinh thần nhất định cho con trẻ bởi ở độ tuổi này chúng bắt đầu nhận thức được sự khác biệt của bản thân đối với những người khác.
Chẩn đoán rụng tóc từng mảng bằng cách nào?
Một số phương pháp kiểm tra chẩn đoán rụng tóc từng mảng có thể được bác sĩ thực hiện như:
– Kiểm tra một vài mẫu tóc dưới kính hiển vi và dựa vào mức độ rụng tóc, hình dạng tóc rụng để chẩn đoán rụng tóc từng mảng.
– Sinh thiết da đầu nhằm sàng lọc loại trừ các tình trạng gây rụng tóc khác như rụng tóc do nấm da đầu; nhiễm trùng nấm…
– Xét nghiệm máu nhằm loại trừ các nghi ngờ tình trạng tự miễn dịch khác.
Cách chữa trị rụng tóc từng mảng
Việc điều trị rụng tóc từng mảng gặp khá nhiều khó khăn vì không thể đoán trước được sự thuyên giảm hoặc tự phát. Trong những trường hợp bị rụng tóc từng mảng nghiêm trọng có thể sử dụng các loại thuốc, kem bôi điều trị tại chỗ hoặc liệu pháp miễn dịch tại chỗ Ciclosporin vào điều trị bệnh.
Chữa rụng tóc từng mảng bằng thuốc Minoxidil
Minoxidil có tên biệt dược Rogaine® là thuốc dạng lỏng thường được dùng để điều trị rụng tóc từng mảng hoặc bệnh hói đầu tại chỗ.
Trước đây Minoxidil được chỉ định chỉ dùng cho nam giới. Nhưng từ năm 2015, Minoxidil đã cho ra đời dòng thuốc trị rụng tóc kích thích mọc tóc dành riêng cho nữ giới với thương hiệu Rogaine Women’s Foam Minoxidil 5%.
Cách dùng:
- Gội đầu sạch, sau đó làm khô tóc – đặc biệt là vùng da đầu bị rụng tóc từng mảng.
- Bôi một lượng Minoxidil (Rogaine®) (theo khuyến cáo của bác sĩ) vào vùng da đầu bị rụng tóc từng mảng.
- Thực hiện bôi ngày 2 lần sáng và tối. Hoặc làm theo hướng dẫn dùng thuốc chính xác từ bác sĩ điều trị.
- Nên rửa lại tay bằng xà phòng sau khi sử dụng thuốc mỡ Minoxidil (Rogaine®)
Tác dụng: Minoxidil (Rogaine®) có tác dụng làm giãn mạch máu ở da đầu, nhờ đó cải thiện chức năng các nang tóc, kích thích tóc mọc nhanh. Tuy nhiên, sau khi tóc đã mọc trở lại, người bệnh cần dùng duy trì để giữ cho sợi tóc mới mọc có thể phát triển và không bị rụng trở lại.
Tác dụng phụ:
- Có thể bị nóng, đỏ vùng da rụng tóc từng mảng.
- Nhức đầu, chóng mặt, hay bị lẫn lộn.
- Nhịp tim đập nhanh.
- Đau ngực.
- Kích ứng da trầm trọng.
- Lông mọc rậm bất thường trên mặt.
- Táo bón.
- …
Điều trị tại chỗ bằng thuốc Corticosteroid
Dùng thuốc Corticosteroid bôi tại chỗ thường được chỉ định điều trị rụng tóc từng mảng ở trẻ em. Một số loại biệt dược có thể được lựa chọn như:
- Kem bôi Fluocinolone Acetonide 0,2%
- Kem betamethasone dipropionate 0,05%.
Tùy từng trường hợp bệnh nhân mà liều lượng dùng sẽ thay đổi tùy thuộc vào chỉ định từ bác sĩ điều trị.
Tiêm Corticosteroid (Steroid) chữa rụng tóc từng mảng
Tiêm Corticosteroid thường chỉ được chỉ định khi tổng diện tích thương tổn do rụng tóc từng mảng gây ra dưới 50% diện tích da đầu.
Biệt dược Triamcinolone acetonide (ống 80mg/2ml hoặc 40mg/2ml) là loại thuốc được sử dụng nhiều nhất với nồng độ từ khoảng 2,5-10mg/ml. Cụ thể:
- Thường nồng độ thấp nhất được sử dụng cho vùng mặt.
- Nồng độ áp dụng cho vùng da đầu bị rụng từng mảng khoảng 5mg/ml. Khoảng cách giữa các vị trí tiêm là 1cm, tiêm 0,1ml cho mỗi vị trí. Thực hiện tiêm nhắc lại sau mỗi 4-6 tuần.
Điều trị rụng tóc từng mảng bằng PUVA
PUVA là phương pháp chữa rụng tóc từng mảng bằng cách dùng tia cực tím với bước sóng A từ khoảng 320 nm đến 400 nm kết hợp với một tác nhân quang động lực thuộc nhóm psoralene nhằm ức chế tổng hợp ADN làm giảm tăng sinh tế bào; giảm lympho T; giảm số lượng và chức năng của tế bào langerhans… Từ đó điều trị và làm giảm triệu chứng các bệnh như:
- Bệnh rụng tóc từng mảng.
- Bểnh vảy nến.
- Viêm da cơ địa
- Viêm da tiếp xúc
- Ung thư lympho T ở da (mycosis fongoide).
- Bệnh tế bào mast (mày đay sắc tố).
- Bệnh da ánh sáng (PMLE, mày đay ánh nắng).
- Lichen phẳng.
Cách thực hiện:
– Người bệnh tắm gội sạch sẽ.
– Uống thuốc và bôi thuốc trước khi tiến hành điều trị bằng PUVA. Tùy thuộc là bệnh rụng tóc từng mảng hoặc các loại bệnh khác nhau mà thuốc uống – thuốc bôi trước khi điều trị sẽ được bác sĩ chỉ định khác nhau.
– Người bệnh được đeo các thiết bị quang học để bảo vệ cơ thể, được che những vùng da không bị thương tổn. Sau đó được đưa chiếu tiếp xúc trực tiếp với nguồn tia UVA phát ra từ máy.
– Tùy thuộc vào từng loại bệnh, từng loại da mà bác sĩ điều trị sẽ điều chỉnh công suất máy chiếu, thời gian chiếu phù hợp.
– Đối với bệnh nhân bị rụng tóc từng mảng thì số lần điều trị PUVA từ khoảng 20 – 40 lần. Sau khi kết thúc đợt điều trị có thể nhiều bệnh nhân vẫn sẽ bị tái phát.
Dùng liệu pháp miễn dịch tiếp xúc (Contact Immunotherapy)
Liệu pháp miễn dịch tiếp xúc thường được chỉ định điều trị cho trường hợp bị rụng tóc từng mảng theo những mảng to nhằm ngăn rụng tóc kích thích mọc tóc tại các vùng da bị rụng tóc đồng xu.
Tác dụng: giống như chất xúc tác giúp kích thích sự phát triển trở lại của nang tóc, từ đó kích thích các sợi tóc con mọc nhú lên tại vùng rụng tóc từng mảng.
Tác dụng phụ: Có thể xảy ra các tác phụ khá khó chịu như: viêm da tiếp xúc; mề đay, bị bất thường sắc tố (gồm cả bạch biến). Bởi vậy, áp dụng liệu pháp miễn dịch tiếp xúc nhằm điều trị rụng tóc từng mảng cho trẻ em vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Cách thực hiện:
Dùng hoạt chất kích thích bôi lên trên bề mặt vùng da bị rụng tóc từng mảng, thường là các chất gây mẫn cảm như Diphenylcyclopropenone (Diphencyprone) và Dinitrochlorobenzene nhằm tạo phản ứng viêm da tiếp xúc dị ứng ở vùng điều trị.
Thực hiện 1 lần/tuần. Áp dụng liên tục trong 06 tháng.